Tục lễ cưới dâu của người Việt xưa

5 years ago

Trong tục lệ cưới dâu của người xưa, trước khi quyết định địa điểm tổ chức tiệc cưới cho đôi tân nhân, thì phải tiến hành các 6 lễ cơ bản của hôn nhân.

Khi mọi việc tương đối ổn, gia đình hai bên quyết đính hôn lễ cho hai con. Khi cưới hỏi thường có đủ 6 lễ:

– Nạp thái (kén chọn) là đưa lễ để tỏ ý đã kén chọn, tục gọi là chạm mặt hay giạm vợ.

– Vấn danh (hỏi vợ) hỏi tên tuổi và họ người mẹ.

– Nạp cát (bói được tốt) báo cho nhà gái biết.

– Thỉnh kỳ (định ngày) để làm lễ cưới, xin hứa trước với nhà gái.

– Nạp tệ (đưa lễ cưới).

– Thân nghinh (đón dâu).

Trong các đám cưới của người Việt (Kinh), vai trò của các phù dâu rất quan trọng, xưa phù dâu thường là những người cô, người dì được cô dâu tin yêu và cha mẹ cô dâu thường uỷ thác cho phù dâu để phù dâu truyền kinh nghiệm làm dâu, làm vợ, làm mẹ cho con mình. Người được chọn làm phù dâu phải là người may mắn, tốt phước, gia đình êm ấm, đề huề. Đám cưới ngày xưa không có phù rể. Ngoài việc chọn phù dâu, nhà trai và nhà gái đều phải lo sắm sửa cho cô dâu chú rể và chuẩn bị cỗ cưới. Nhà trai thường lo đóng giường, chuẩn bị chăn, chiếu, màn. Nếu nhà trai khá giả hơn thì còn lo may quần áo cho cô dâu. Cỗ cưới của nhà trai có bao nhiêu món là phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình nhưng nhất thiết phải có món xôi gấc. Có lẽ do người ta quan niệm rằng ăn xôi có màu đỏ là đẹp và gặp nhiều may mắn. Trong đám cưới ngoài xôi, gà, còn có rất nhiều loại giò: giò lụa, giò hoa, giò mỡ, giò lá sồi, giò mặt hổ phù…

Tục lễ cưới dâu của người Việt xưa

Trước khi về nhà chồng, người mẹ thường “ngầm” thủ thỉ với cô dâu. Trong các món quà mẹ cho con gái trước khi về nhà chồng bao giờ cũng có một chiếc trâm hay bảy chiếc kim.

Bảy chiếc kim là vì quan niệm xưa, đàn ông có bảy vía. Thời trước cô dâu quấn khăn nhiễu trên đầu có đính mấy chiếc kim trên khăn hoặc là một cái trâm. Xuất xứ của việc này có lẽ là để phòng tai nạn do “phạm phòng”, tức là chú rể chết trong đêm tân hôn khi đang quan hệ với vợ.

Sau khi đã nhận đủ lễ của nhà trai, cũng như chuẩn bị đầy đủ hồi môn cho tân nương, thì việc còn lại chính là chờ đợi ngày lành, giờ lành để chú rể đến rước dâu và làm lễ bái gia tiên, trình bày với hai họ. Cuối cùng là tiếp đãi các vị khách mời đến dự buổi tiệc chung vui ngày hôm đó.

Hãy tham khảo thêm những tục lệ cưới dâu của người Việt xưa ở kỳ tiếp theo bạn nhé.

admin