1.  Kiêng lấy người không hợp tuổi

Chịu một phần ảnh hưởng của văn hóa phong kiến trung hoa, người dân Việt Nam đặc biệt những người lớn tuổi luôn cho rằng mỗi người khi sinh ra đều có mệnh, hệ riêng biệt. Khi dựng vợ gả chồng, quan niệm hợp tuổi kỵ tuổi lại được đem ra tính toán vô cùng cẩn thẩn. Khi hai vợ chồng hợp tuổi, hợp mệnh thì cuộc sống gia đình viên mãn, con cái sinh ra khỏe mạnh thông minh, làm ăn phát đạt, thuận lợi. Ngược lại, nếu đã kỵ tuổi, kỵ mệnh mà vẫn lấy nhau thì cuộc sống vợ chồng gặp nhiều khó khăn, biến cố thậm chí chia ly.

Cho đến ngày nay, dù những quan niệm này đã trở nên cũ kỹ và mất dần tác dụng trong cách nghĩ của người Việt trẻ, nhưng nhìn chung đây vẫn là một trong những điều kiêng kỵ hàng đầu khi lựa chọn chồng, vợ của người Việt.

Theo kinh nghiệm dân gian truyền lại thì những tuổi sau thuộc bộ tứ hành xung, không nên kết duyên vợ chồng

+ Dần, Thân, Tỵ, Hợi
+ Tý, Ngọ, Mão, Dậu
+ Thìn, Tuất, Sửu, Mùi

Tuy nhiên, có trường hợp tuổi xung nhưng mệnh lại hợp. Vì vậy, khi tính tuổi hôn nhân, người ta không chỉ dựa vào tuổi mà còn xem xét nhiều yếu tố khác như ngày sinh tháng đẻ với lý luận tương sinh, tương khắc và tương hỗ trong thuyết âm dương ngũ hành.

2. Kiêng lấy vào năm kim lâu của người nữ

Bên cạnh việc xme xét tuổi hợp để lấy chồng, lấy vợ, khi hai bên gia đình đồng ý đi đến việc lựa chọn ngày tổ chức tiệc cưới cho con cháu còn chú ý đến tuổi kim lâu của cô dâu. Tuổi kim lâu là là cách tính của người Việt theo thuật phong thủy, đó là tuổi âm lịch có số đuôi là 1, 3, 6, 8. Dân gian thường tránh tổ chức cưới vào tuổi kim lâu của người nữ vì theo quan niệm, khi cưới vào năm kim lâu vợ chồng sẽ gặp khó khăn, quan hệ vợ chồng dễ bất hòa, lục đục, con cái sinh ra dễ bệnh tật…

Tuy vậy với quan niệm một năm âm lịch kết bắt đầu vào mùa xuân, kết thúc vào ngày đông chí, nên việc cưới vợ tránh tuổi kim lâu còn được thực hiện sớm bằng việc tính ngày cưới qua ngày đông chí.

3. Kiêng tổ chức cưới hỏi khi nhà đang có tang

Ngày cưới là chuyện đại hỷ của gia đình, tuy nhiên chuyện ma chay cũng là chuyện lớn. Nếu trong gia đình đôi bên cô dâu chú rể có người thân mất thì chuyện cưới hỏi của cô dâu chũ rể thường sẽ bị hoãn lại chờ cho đến khi hêt tang mới tổ chức.

Theo quan niệm, con cái phải để tang cha mẹ 3 năm, cháu phải để tang ông bà 1 năm. Ngoài ra còn có thời hạn cụ thể dành cho các thành viên khác trong gia đình.

Tuy vậy, đôi khi cũng có những trường hợp đôi nam nữ đã định ngày cưới hỏi, xem được ngày lành tháng tốt. Khi đó nếu trong gia đình có chuyện buồn thì buộc phải áp dụng hình thức cưới chạy tang. Khi trong gia đình đang có người bị bệnh, sắp qua đời hoặc qua đời nhưng chưa phát tang thì nhà trai sẽ đem lễ vật sang nhà gái hỏi cưới để tránh lỡ năm tốt, ngày tốt. Đám cưới lúc này sẽ chỉ tổ chức nhỏ, nội bộ trong hai gia đình với những người thân thiết nhất.

4. Kiêng tổ chức cưới khi chưa làm lễ ăn hỏi

Với sức ảnh hưởng  của văn hóa Trung Quốc, phong tục cưới hỏi của người Việt xưa có đến 6 lễ chính: nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp tệ, thỉnh kỳ, thân nghinh. Ngày nay, dù đã lược bỏ nhiều lễ nghi phức tạp, lễ cưới cũng vẫn phải có đầy đủ các lễ dạm ngõ, ăn hỏi, lễ cưới, lễ lại mặt, lễ nạp cheo. Vì thế, việc tổ chức lễ ăn hỏi là điều vẫn bắt buộc trong lễ cưới của người Việt. Nhiều vùng miền và gia đình đã lược giản lễ dạm ngõ và lễ nạp cheo thế nhưng vẫn không thể thiếu lễ ăn hỏi trước khi tổ chức lễ cưới. Lễ ăn hỏi được tổ chức thể hiện sự tôn trọng nhà gái, thông báo rộng rãi với bà con là cô gái đã được nhà trai hỏi cưới một cách đường hoàng, trang trọng.

Với điều kiện kinh tế và công việc theo cơ chế công nghiệp như ngày nay, nhiều lễ cưới sẽ kết hợp cùng lễ ăn hỏi. Tuy nhiên thủ tục là thứ tự vẫn được áp dụng đúng theo nghi thức cưới cổ xưa.

5. Trong ngày cưới kiêng làm vỡ, bể đồ đạc

Khi tổ chức tiệc cưới trong quan niệm của người dân Việt sẽ kiêng khong làm đổ vỡ đồ đạc, tránh cãi nhau…vì theo quan niệm người xưa, việc này là điềm không tốt cho đôi trẻ. Chính vì thế, tâm lý chung của các cô dâu chú rể ngày nay và gia đình là lựa chọn nhà hàng tiệc cưới chuyên nghiệp, có đội ngũ dịch vụ tốt tránh tối đa việc đổ vỡ trong ngày cưới.

7. Kiêng mẹ đưa con gái về nhà chồng

Thời phong kiến, với quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, việc cưới hỏi thường là bắt ép, người mẹ thương con gái bị gả đi xa nên thường thấy cảnh hai mẹ con ôm nhau khóc. Quan niệm người xưa cho rằng nước mắt biệt ly trong ngày cưới mang đến điều không tốt nên thường không cho người mẹ đi theo tiễn con gái về nhà chồng. Các cô dâu khi ra khỏi nhà cũng không được khóc và ngoái nhìn lại. Ngày nay, dù việc cưới hỏi hoàn toàn trên phương diện tự nguyện, không còn cảnh mẹ con bịn rịn, khóc lóc nhưng nhiều gia đình vẫn giữ vững phong tục này cho ngày cưới được trọn vẹn.

8. Kiêng mẹ chồng chạm mặt con dâu khi rước dâu về nhà

Khi đoàn rước dâu về tới đầu ngõ, mẹ chồng sẽ cầm bình vôi lánh mặt đi chỗ khác để cô dâu bước vào nhà. Điều này ngụ ý rằng mẹ chồng vẫn nắm quyền hành trong nhà, không muốn con dâu thay thế. Theo quan niệm dân gian, bình vôi là biểu hiện của tài sản trong nhà, hình thức nắm giữ bình vôi chính là nắm giữ tài sản. Ngày nay, tục ăn trầu đã mai một, thay vì cầm bình vôi, người mẹ sẽ cầm chùm chìa khóa thay thế. Khi hai họ đã yên vị được một lúc thì mẹ chồng mới xuất hiện để đón con dâu và đi chào, cảm ơn hai họ.