Những điều cấm kỵ trong cưới hỏi mà bạn cần biết – kỳ 2

5 years ago

Tổ chức tiệc cưới là một trong “tam đại hỷ sự” của người Việt xưa, vì vậy ông bà ta thường cố gắng tránh làm những điều kiêng kỵ vào thời gian này.

Hãy cùng tham khảo những điều kỵ khi tổ chức cưới hỏi khác được nêu dưới đây bạn nhé.

7. Kiêng kỵ mời cưới trước khi ăn hỏi

Ăn hỏi rồi mới cưới xin là những thủ tục bắt buộc. Sau lễ ăn hỏi thì nhà gái mới được đi mời cưới bạn bè gần xa, nếu mời trước thì bị xem như là vô duyên. Tuy nhiên, quy tắc này lại không áp dụng cho nhà trai. Nhưng hiện nay một số cặp đôi tổ chức hỏi và cưới liền nhau chỉ vài ngày nên bắt buộc gia đình gái phải mời khách trước.

8. Kiêng kỵ cô dâu không được xuất hiện trước khi chú rể vào đón

Theo đúng phong tục, vào ngày nhà trai đến đón dâu, cô dâu phải ngồi trong phòng, đóng kín cửa và tuyệt đối không được cho phép họ hàng nhà trai thấy mặt trước khi chú rể vào đón, tặng hoa cưới và dẫn cô dâu ra ngoài chào họ hàng vì người ta quan niệm làm như thế sẽ bị mất duyên.

9. Kiêng kỵ mẹ đẻ không nên đưa con gái về nhà chồng

Trong đoàn rước dâu người ta kiêng kỵ sự xuất hiện của mẹ cô dâu vì người ta quan niệm sợ cô dâu bịn rịn đòi bỏ về nhà theo mẹ đẻ đồng thời sợ con dâu và mẹ đẻ tạo nên thế lực mạnh át đi quyền uy của mẹ chồng. Do đó, thường thì bố cô dâu sẽ là người đưa con sang sông.

Những điều cấm kỵ trong cưới hỏi mà bạn cần biết

10. Kiêng kỵ cô dâu không được khóc hoặc ngoái lại nhà mẹ đẻ sau khi rước dâu

Khi chú rể đã hoàn thành nghi lễ, đón cô dâu theo chồng về nhà trai, cô dâu phải hướng thẳng mặt, đi thẳng về phía trước, tuyệt đối không được quay đầu lại nhà cha mẹ mình hay có thái độ quyến luyến, khóc lóc không muốn chia tay gia đình nhà mẹ đẻ. Bởi nhiều gia đình quan niệm rằng con dâu đã theo chồng mà còn vương vấn gia đình thì sau này sẽ sớm bỏ chồng về nhà mẹ đẻ hoặc không chu toàn với công việc nhà chồng.

11. Kiêng kỵ mẹ chồng đi đón con dâu

Mẹ chồng không được góp mặt trong lễ đón dâu. Trước đó, mẹ chú rể chỉ được cùng một người họ hàng thân cận nhất tới nhà cô dâu, làm lễ xin dâu. Sau đó khi đoàn nhà trai tới đón dâu, mẹ chồng phải tránh mặt không được đi cùng. Người ta cho rằng để sau này mối quan hệ mẹ chồng con dâu không bị mâu thuẫn thì tốt nhất mẹ chồng không nên đi đón nàng dâu.

12. Kiêng kỵ mẹ chồng đứng trước cửa đón dâu

Kiêng mẹ chồng đứng ở cửa đón con dâu, điều này lý giải là để cô dâu không đòi bỏ về nhà theo mẹ đẻ, và mẹ chồng nàng dâu không xung khắc sau này. Đến khi con dâu làm lễ gia tiên nhà chồng thì mẹ chồng mới được xuất hiện.

13. Kiêng kỵ mẹ chồng chạm mặt con dâu khi đoàn rước dâu vừa về tới nhà

Khi đoàn rước dâu vừa về tới nhà, mẹ chồng phải cầm bình vôi hoặc chùm chìa khóa lánh đi khi con dâu bước vào cửa. Bình vôi hay chùm chìa khóa biểu tượng cho tài sản trong gia đình. Điều này có nghĩa là mẹ chồng tuy đón con dâu vào nhà nhưng vẫn nắm quyền làm chủ trong nhà.

14. Kiêng kỵ cô dâu đang mang bầu thì không đi vào trong nhà từ cửa chính.

Khi về nhà chồng, nếu cô dâu đang mang bầu sẽ không được danh chính ngôn thuận đi vào từ cửa chính mà phải đi vòng ra cửa sau để vào. Trong trường hợp nhà chú rể không có cửa hậu, cô dâu sẽ phải bước qua một chiếc chậu bồ kết nướng với than hồng, hàm ý xua đi điều xui vẻ. Theo quan niệm của một số nơi giải thích rằng cô dâu có bầu mà đi về nhà chồng bằng cửa trước sẽ làm cho nhà trai sau này làm ăn không phát đạt.

Hãy cùng tham khảo những điều cần kiêng kỵ khác khi tổ chức hôn sự ở kỳ sau bạn nhé.

admin